Vì em là Phật tử

Cứ vào buổi sáng ngày rằm là tôi thường đến ngôi chùa quen thuộc gần nơi ở để lễ Phật trước khi đi làm. Nếu ngày ấy rơi vào ngày nghỉ cuối tuần thì tôi ở lại chùa lâu hơn để cùng tham dự thời tụng kinh với đạo tràng của chùa.

Hoa nào đẹp nhất mùa xuân

Trong muôn vạn loài hoa, hầu như hoa nào cũng có lúc tàn phai, nhưng có một loài hoa có sức mạnh không tưởng và có hương thơm bay khắp muôn phương, đó là “hoa yêu thương”.

Sống đẹp cùng tứ nhiếp pháp

Hãy mở rộng tấm lòng, thế chỗ sự tham lam, ích kỷ, hẹp hòi… bằng những mầm vị tha, nhân ái… bạn sẽ không ngờ rằng những việc làm đó có thể mang lại cho mình những lợi ích vô biên.

Hoa Sen Đất

Hoa sen đất (Magnolia grandiflora) thuộc chi mộc lan (Magnolia), cây thân gỗ, lá hình bầu dục, mặt trên sáng bóng, mặt dưới có lông màu gỉ sắt, xanh quanh năm, hoa thường có 9 đến 10 cánh lớn trắng ngần, hương thơm ngát

Tuổi trẻ và đạo pháp

Con người sống trong thế giới Ta-bà này phải trải qua những được, mất, thành, bại và phải đối mặt với những xô bồ, đua chen, thị phi, ngang trái của cuộc đời.

June 15, 2013

Ai cho ta hạnh phúc?

Chắc chúng ta ai cũng nhiều lần tự đặt ra cho mình những câu hỏi mà không tìm được câu trả lời, rồi tự đưa mình vào bế tắc… Vì sao tôi mệt mỏi thế này? Vì sao tôi trở nên như vậy? Vì sao người đó lại là tôi? Ai cho tôi hạnh phúc?...
Có lúc ta từng đi tìm hay tự đặt ra cho mình những câu hỏi mà không ai có thể giúp ta trả lời được. Cũng như tại sao lại có cái này, lại xuất hiện cái kia, nhiều khi câu trả lời lại nằm trong chính bản thân sự việc.
Ta quanh quẩn đi tìm đâu đó trong khi bản thân ta đang chính là câu trả lời cho tất cả những gì mình thắc mắc. Không ai cho ta hạnh phúc, cũng không ai làm ta khổ đau ngoài ta cả!
Có những câu hỏi mà đối tượng hỏi đến vô cùng phi lý: “Trời Phật ơi, sao bất công như vậy?” Tại sao vậy ông trời? Ông trời là ai, liên quan gì đến cuộc sống của ta, có ai biết trên đời này có ông trời…?
Trong cuộc sống, ta phải lắng nghe những điều thị phi, phải đối mặt với những rắc rối, phiền muộn, chán nãn và mệt mỏi… Sao không quay lại hỏi chính mình: “Tại sao mọi việc lại trở nên như vậy? Bây giờ mình phải làm như thế nào để giải quyết được vấn đề này?
Thực ra, sự than vãn, hay đòi hỏi cái này cái kia, đơn giản như việc đi chùa cầu danh lợi, bạc tiền, sức khỏe… là do thiếu hiểu biết, do lòng tham của con người mà ra. Đức Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta vậy”. Phật đâu có nói đến cầu Phật thì Phật sẽ ban cho có được nhiều tiền, được danh vọng, địa vị, sức khỏe... Không ai có quyền ban phước hay giáng họa cho người khác cả. Chính Đức Phật cũng không làm điều đó. Đức Phật là người thầy dẫn đường, người chỉ dạy chúng ta cách làm thế nào để có được bạc tiền, có được hạnh phúc, có được sức khỏe, có được bình an trong cuộc sống… Nếu chúng ta biết vận dụng, thực hành theo lời Phật dạy thì mới có được những thứ đó, bằng không thì không thể nào có được. Hiểu được điều này, chúng ta cần phải chịu khó học hỏi, chuyên tâm thực hành, chứ không đi cầu xin, khấn vái chi cho mất thời gian, để rồi khi không được gì thì quay lại trách trời, trách Phật không thấu, chẳng thương mình…
Mọi sự vật hiện tượng diễn ra trên cuộc đời này đều có nhân quả chứ không phải ngẫu nhiên. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ bất hạnh, kẻ gặp nhiều điều xui xẻo, là người không may mắn, hoặc than oán cuộc đời sao lắm những bất công. Mọi việc đều có sự tác động của quy luật nhân quả, vì nó vốn tuần hoàn từ vô lượng kiếp. Thế nên kinh Phật mới có câu: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (Muốn biết nhân kiếp trước, nhìn vào quả kiếp này; muốn biết quả kiếp sau, nhìn việc làm hiện tại).
Trong cuộc sống, trong công việc, nhiều khi ta rất cố gắng, sống tốt bụng, và đối xử  chân thành với mọi người, thế mà vẫn phải nhận lại những chê trách, mỉa mai, thị phi, hay phải chịu đựng những điều vô cùng oan uổng… Lúc đó ta nghĩ cuộc đời này bất công, lòng người sao ích kỷ, hẹp hòi, xấu xa, ác độc. Nhưng nếu chúng ta bình tâm mà suy xét, biết đâu những gì gọi là bất công, bất hảo mà ta đang phải đối mặt ấy là kết quả mà ta phải nhận lãnh từ những nguyên nhân bất thiện mà ta đã từng làm trong kiếp quá khứ? Biết đâu trong quá khứ chính mình lại là người có những bản tính không tốt, làm ra những điều xấu xa kia với người khác, để giờ người ta có ác ý hại mình? Hãy đón nhận và suy ngẫm mọi vấn đề một cách sâu sắc thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và cuộc sống của chúng ta sẽ bình yên hơn. Mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng khi ta tìm ra được nguyên nhân, “Sự việc… thì ra là như thế!”. Khi nghiệp đến, mình sẵn lòng đón nhận thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.


Tại sao cũng là kiếp người mà lại có kẻ giàu người nghèo, có kẻ xấu người đẹp? Người có thân tướng xinh đẹp, có của cải nhiều, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc đời thì họ được sung sướng, tự hào; còn người có thân tướng xấu mà lại gặp nhiều xui rủi, bất trắc trong cuộc sống thì luôn phải xấu hổ, tủi nhục và khổ đau.
Trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy rằng:
“Đời này chỗ này buồn,
 Chết rồi chỗ  khác buồn,
 Kẻ làm điều ác nghiệp,
Cả hai nơi đều lo buồn,
 Vì thấy ác nghiệp mình gây ra,
 Kẻ kia sinh buồn than khổ não”. (Pháp Cú, 15)
Trong thực tế cuộc sống, người đẹp, người giàu thì ít, người không đẹp, nghèo khổ thì nhiều, cũng như người có tấm lòng nhân hậu, tốt bụng thì hiếm thấy, còn người có lòng hẹp hòi, ích kỷ lại luôn bàng bạc quanh ta.
Ai cho những con người kia may mắn, có được thân tướng đẹp, có cuộc sống an bình, hạnh phúc? Không có vị Phật, vị Thánh nhân, hay ông bà tổ tiên nào cho họ cả, mà chính bản thân họ đã tạo ra công đức, phước báu từ vô lượng kiếp. Trong nhiều kiếp trước họ biết tôn kính, cúng dường Tam bảo, biết sống đúng đạo nghĩa, biết giúp đỡ người khác, biết san sẻ, cho đi, biết vui sống chan hòa, biết thương người, yêu vật, không sát hại sinh linh thì hiển nhiên kiếp này họ được trả ơn, họ được nhận lại những gì mà họ đã cho đi từ nhiều kiếp trước, nên kiếp này họ mới được như vậy. Như trong lời kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Đời này chỗ này vui,
 Chết rồi chỗ khác vui,
 Kẻ làm điều thiện nghiệp
Cả hai nơi đều vui,
Vì thấy thiện nghiệp mình đã làm,
 Kẻ kia sinh ra an vui, cực vui”. (Pháp Cú, 16)
Còn những kẻ trong quá khứ thấy Phật mà không biết kính, gặp chánh đạo mà không biết trọng học, sống bỏn sẻn, ích kỷ hẹp hòi, tâm địa không tốt, không biết thương người, yêu vật, phạm nhiều tội sát sanh thì quả báo kiếp này là thân tướng xấu xí, tật nguyền, nghèo khổ, đói rách, gặp nhiều chướng ngại, bất trắc trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cả hai hạng người này nếu có phước duyên gặp được Chánh pháp, biết tinh tấn tu tập thì phước báu tăng thêm, nghiệp chướng tiêu dần.
Thế nên, không phải than khổ, oán trách ai, mà nên nhìn lại chính mình, suy xét lại  thân khẩu ý của mình ngay ở trong hiện tại để sớm ngộ ra chánh-tà, thiện-ác rồi lo tu sửa. Có những việc làm mà nhân quả biểu hiện ngay trong hiện tại, nếu để ý thì sẽ thấy ngay, còn có những việc có tiến trình từ nhân đến quả diễn ra rất dài, nhưng dù có đến muôn vạn kiếp đi nữa thì thế nào chúng ta cũng sẽ phải nhận lãnh kết quả. Vậy, hãy tránh xa điều ác, hướng đến việc thiện lành, giữ thân tâm thanh tịnh, để có một cuộc sống hiện tại an lạc, nhẹ nhàng:
 “Người trí điều phục thân
  Cũng điều phục ngôn ngữ,
 Điều phục luôn tâm ý,
Ba nghiệp thảy điều phục”. (Pháp Cú, 234)
Vì vô minh nên ta không thấy được luân hồi, nhân quả. Đức Phật mới răn dạy chúng ta sống một kiếp người cho trọn vẹn, tu dưỡng thân, khẩu, ý cho tốt. Tu còn có nghĩa là học, sống, làm việc và hành trì pháp môn tu. Phải tinh tấn tu học mới có được một cuộc sống an vui, no đủ. Con người ai cũng vậy, phước báu thì có hạn, mà nghiệp chướng thì vô cùng. Nên chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, việc thiện nhỏ mà bỏ qua, điều đó nguy hiểm vô cùng, có cái nhỏ rồi mới sanh trưởng dần thành cái lớn. Nên việc ác nhỏ đến mấy cũng tránh xa, việc thiện nhỏ đến mấy cũng vui vẻ làm cho trọn vẹn.
Biết được quy luật nhân quả, luân hồi, nên dù cho những điều không may mắn đến với mình thì cũng vui vẻ đón nhận nó, vì đấy là kết quả do chính mình tạo ra, là quả đắng mà mình đã gieo trồng, và tiếp tục tinh tấn tu học để chuyển hóa nghiệp lực, tích lũy công đức, tạo phước báu cho đời sau. Hoặc giả mình có phước, gặp nhiều duyên lành thì vẫn phấn đấu tu học để vun bồi công đức, tăng thêm phước báu, tạo được nghiệp lành cứu người, giúp đời để đời sau tiếp tục có được đời sống no đủ, sắc tướng thánh thiện và đẹp đẽ. Hạnh Phúc của cuộc sống này là có một cuộc sống chan hòa, bình yên, no đủ, thân tâm an lạc, có được sự thương mến, nể trọng của mọi người. Đó là những thứ mà chính bản thân ta có thể cho ta.
Chơn Ngọc Thanh (Tạp Chí Đạo Phật Ngày Nay Số 29)

June 06, 2013

Vì em là Phật tử


Cứ vào buổi sáng ngày rằm là tôi thường đến ngôi chùa quen thuộc gần nơi ở để lễ Phật trước khi đi làm. Nếu ngày ấy rơi vào ngày nghỉ cuối tuần thì tôi ở lại chùa lâu hơn để cùng tham dự thời tụng kinh với đạo tràng của chùa.
Hôm ấy là ngày rằm tháng Giêng, lại đúng vào ngày chủ nhật, nên tôi đến chùa lễ Phật, tụng kinh cầu an đầu năm. Trong đạo tràng hôm ấy có một cô gái thân hình xinh xắn, trẻ trung và có chất giọng rất thanh tao. Chính chất giọng của em đã khiến cho tôi phải chú ý. Sau thời tụng kinh, tôi đến bắt chuyện và làm quen với em. Là những người đồng đạo, đồng tu nên tôi với em cảm thấy mến nhau và trò chuyện với nhau một cách thân mật. Em cho biết, em mới chuyển chỗ ở đến gần chùa nên đây là lần đầu tiên em đến chùa này lễ Phật, tụng kinh. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau trong các buổi tụng kinh vào ngày chủ nhật.
Tôi và em cách nhau vài tuổi, trong đạo tràng lại rất ít người trẻ tham gia, ngoài tôi và em, thỉnh thoảng mới có một vài bạn trẻ khác đến chùa tụng kinh, còn lại đa phần là các cô, các bác lớn tuổi. Cho nên tôi với em thỉnh thoảng trò chuyện với nhau sau các thời tụng kinh là chuyện dễ hiểu, vì chúng tôi đồng trang lứa với nhau, lại cùng mến đạo, cùng có tâm hướng thiện. Dần dần tôi cảm thấy mến em, bởi ở em có những nét đặc biệt mà các cô gái khác khó có được. Em đã tốt nghiệp đại học và đi làm công việc văn phòng, nói một cách nôm na thì em là dân công sở. Làm việc trong công sở thì người nữ thường trang điểm và mặc những bộ đầm công sở. Em cũng có trang điểm, nhưng cách trang điểm của em không lòe loẹt; em cũng mặc đầm, nhưng các bộ đầm em mặc trông rất thanh lịch và kín đáo chứ không ngắn củn hay kệch cởm như một số người khác.
Dù em khoác lên mình cái đầm công sở khi đi làm hay mặc bộ đồ lam, đồ nâu khi đến chùa, ở em vẫn luôn toát lên một nét duyên dịu dàng, đằm thắm khiến cho người khác cảm mếm em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em không sở hữu một vẻ đẹp kiêu sa, không có được dáng vóc của người mẫu, nhưng nét mặt em lúc nào cũng tươi vui, hiền dịu, lúc nào cũng toát lên một vẻ đẹp thánh thiện khiến không ai dám trêu ghẹo em bạo miệng như với các cô gái khác, có chăng chỉ là một chút bông đùa lịch thiệp. Mặc dù em sống giản dị, giản dị từ trong cách trang điểm cho đến trang phục và cả vật dụng em sử dụng, nhưng ở em không có một tí gì gọi là quê mùa, lạc hậu; ngược lại, em sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại một cách thành thạo, em đảm đang, tháo vát và xử lý công việc một cách khéo léo. Trong giao tiếp thì em rất lịch thiệp, tế nhị và luôn được nhiều người yêu quý. Ở em và tôi còn có một điểm chung là muốn chia sẻ và giúp đỡ những người bất hạnh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, thỉnh thoảng tôi có tham gia vào một số hoạt động từ thiện của các hội, nhóm. Giờ đây, biết em cũng thích làm từ thiện nên thỉnh thoảng chúng tôi cùng đi từ thiện chung.
Những lần cùng em đi làm từ thiện, đến thăm các trại trẻ mồ côi và các trại dưỡng lão, nhìn cách em quan tâm chăm sóc các cụ già, nhìn cách em nâng niu, ẳm bồng và đút thức ăn cho các em bé mồ côi, ở em toát lên tình thương yêu và sự dấn thân cao cả. Tôi thấy cách em chăm sóc các cụ già, các em bé giống như hình ảnh của một đứa con chăm sóc chính cha mẹ của mình, như một người mẹ, người chị dịu dàng đút cho con, cho em từng miếng ăn. Nhìn em, tôi ngẫm lại hiện thực cuộc sống, trong xã hội có những người con không biết thương kính cha mẹ ruột của mình, nói gì đến việc quan tâm, chia sẻ với người dưng nước lã; có những người cha, người mẹ đối xử tàn nhẫn đối với con cái, bỏ rơi con hoặc từ chối trách nhiệm làm cha làm mẹ, vậy thì làm sao họ có thể thương yêu, chăm sóc những đứa trẻ khác được. Còn em, với người ngoài mà em còn chăm sóc ân cần, nâng niu đầy thương yêu như thế thì với cha mẹ, người thân của em, chắc hẳn em càng hiếu kính và thương yêu hơn. Vào dịp cuối tuần, nhiều bạn đồng trang lứa thường rủ nhau đi chơi, rủ nhau ăn uống, hội hè, còn em thì thường đến chùa tụng kinh, lễ Phật, làm công quả hoặc tham gia các chương trình từ thiện.
Đi chùa và làm các việc thiện là niềm vui lớn đối với em. Em là một người có trình độ, có năng lực, nhưng em vẫn tỏ ra khiêm tốn và ham học hỏi. Em luôn luôn thân thiện và lịch thiệp với tất cả mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy em lớn tiếng với ai, chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt em hờn giận hay nét mặt em bực tức ai cả. Thấy em mặc áo dài là chuyện rất bình thường, nhưng bắt gặp em trong chiếc áo dài màu lam, tôi thấy em thật thánh thiện, một nét thanh tao, mềm mỏng và rất tinh khôi. Em như cánh hoa sen khẽ rung mình trong nắng hạ. Hình ảnh ấy càng làm cho tôi thêm cảm mến em hơn. Dù em không tham gia vào các cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt của anh chị em đồng nghiệp trong cơ quan, nhưng mọi người trong cơ quan luôn quý mến em. Em chưa từng làm mất lòng ai cả và luôn hoàn thành tốt trách nhiệm, công việc của mình. Em cũng có nhiều bạn bè, nhưng bạn bè của em đa phần đều thích đi làm từ thiện, đều biết tu học và đặc biệt là đều rất dễ thương, ngoan hiền. Đúng là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Có lần tôi hỏi em:
- Em là một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, có học thức và có khả năng tài chính, tại sao em lại không đua đòi, không chưng diện và chơi bơi như rất nhiều bạn trẻ khác?
Em đáp rằng:
- Anh ạ, đơn giản chỉ vì em là một người Phật tử. Vâng, vì em là Phật tử nên em không thích chơi bời, không thích chưng diện nhiều; vì em là Phật tử nên em vâng theo lời Phật dạy, biết thương yêu và chia sẻ với tất cả mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh; vì em là Phật tử nên em luôn sống bao dung và hỷ xả…
Em đúng là một người Phật tử mẫu mực. Nếu có được nhiều người Phật tử như em thì chắc hẳn xã hội sẽ bớt đi nhiều chuyện thị phi, sẽ bớt đi nhiều khổ đau và buồn phiền không đáng có. Em ạ! Em là một mẫu người con gái lý tưởng mà nhiều người con trai đàng hoàng trong xã hội đang kiếm tìm, đang ước mơ có được. Cầu chúc em luôn gặp nhiều duyên may trong cuộc sống và luôn vững tâm trước những sóng gió, chông gai của cuộc đời. Được làm bạn với em là một niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Nhìn thấy em trong chiếc áo dài lam nhẹ nhàng dâng lên chư Phật nén nhang đầy thành kính, tôi thấy một nét tinh khôi toát lên từ hình ảnh của em.

Ngọc Thanh ( tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 3o)