Vì em là Phật tử

Cứ vào buổi sáng ngày rằm là tôi thường đến ngôi chùa quen thuộc gần nơi ở để lễ Phật trước khi đi làm. Nếu ngày ấy rơi vào ngày nghỉ cuối tuần thì tôi ở lại chùa lâu hơn để cùng tham dự thời tụng kinh với đạo tràng của chùa.

Hoa nào đẹp nhất mùa xuân

Trong muôn vạn loài hoa, hầu như hoa nào cũng có lúc tàn phai, nhưng có một loài hoa có sức mạnh không tưởng và có hương thơm bay khắp muôn phương, đó là “hoa yêu thương”.

Sống đẹp cùng tứ nhiếp pháp

Hãy mở rộng tấm lòng, thế chỗ sự tham lam, ích kỷ, hẹp hòi… bằng những mầm vị tha, nhân ái… bạn sẽ không ngờ rằng những việc làm đó có thể mang lại cho mình những lợi ích vô biên.

Hoa Sen Đất

Hoa sen đất (Magnolia grandiflora) thuộc chi mộc lan (Magnolia), cây thân gỗ, lá hình bầu dục, mặt trên sáng bóng, mặt dưới có lông màu gỉ sắt, xanh quanh năm, hoa thường có 9 đến 10 cánh lớn trắng ngần, hương thơm ngát

Tuổi trẻ và đạo pháp

Con người sống trong thế giới Ta-bà này phải trải qua những được, mất, thành, bại và phải đối mặt với những xô bồ, đua chen, thị phi, ngang trái của cuộc đời.

July 03, 2015

Mùa sen hồng nở trên kênh Nhiêu Lộc


Kênh Nhiêu Lộc trong quá khứ là một dòng kênh chết vì ô nhiễm, nước kênh đen kịt, rác và chất thải bừa bộn, gây mùi khó chịu, khiến người dân ai cũng ái ngại khi phải đi ngang. Sự ô nhiễm trầm trọng của dòng kênh đã làm mất phần nào mỹ quan của một thành phố văn minh.


Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai dự án quy hoạch, nạo vét và xử lý ô nhiễm dòng kênh này. Công việc này đã mất khá nhiều thời gian và công sức. Nhờ đó mà hiện nay dòng kênh Nhiêu Lộc đã được cứu sống.
Ngày nay, hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc trở thành điểm dạo chơi và tập thể dục lý tưởng của những người dân xung quanh, trở thành một không gian lý lưởng và lãng mạn cho các bạn trẻ dạo chơi và hít thở không khí trong lành. Dòng nước kênh trong xanh, không còn tình trạng rác thải bừa bộn, hai bên bờ kênh là những thảm cỏ xanh non, những hàng cây xanh mát, màu xanh đậm của những tán lá sứ xen kẽ những chùm bông trắng muốt, thơm ngần, màu vàng của hoa cúc, màu hồng, màu đỏ của hoa hồng…, những hàng ghế đá thơ mộng dưới dàn hoa, cạnh bờ sông được ngăn bởi những hàng rào kiên cố, an toàn và những thùng rác rất đẹp được thiết trí nhiều nơi, tiện lợi cho việc người dân bỏ rác vào thùng. Kênh Nhiêu Lộc giờ đây còn là nơi đem lại sự sống cho các loài cá, nơi được nhiều chùa và các nhóm Phật tử lựa chọn để phóng sinh cá trong các dịp lễ hội.
Trong những năm gần đây, vào mùa Phật đản tháng Tư, tại một số đoạn trên kênh Nhiêu Lộc, một số chùa đã thiết trí hoa sen mùa sen hồng thắm, làm tôn thêm vẻ đẹp của dòng kênh và đem lại niềm hân hoan và hạnh phúc cho những ai có dịp chiêm ngưỡng những đóa sen ấy, nhất là vào ban đêm, khi ánh đèn điện trong các hoa sen ấy được thắp lên. Tôi gọi đây là “Mùa sen hồng nở trên dòng kênh Nhiêu Lộc”. Cái nắng tháng Tư càng làm tôn thêm nét rực rỡ của những đóa sen hồng trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Ấn tượng nhất là bảy đóa sen hồng khổng lồ trên đoạn kênh phía trước tiền đường của Quan Âm Tu Viện. Đây là một công trình khá công phu của Ban lãnh đạo giáo hội và các Phật tử Quận Phú Nhuận. Những đóa sen hồng thật là đẹp và kiêu sa làm sao! Qua đoạn kênh từ Chùa Vĩnh Nghiêm đến cầu Lê Văn Sĩ, ta lại rợp mắt với vẻ đẹp rực rỡ nhưng không kém dịu dàng của những cánh sen mềm mại trước Chùa Pháp Hoa và những dãy cờ ngũ sắc bay bay dọc ven kênh.
Về đêm, những đóa sen hồng lung linh, rực rỡ cùng với ánh đèn của Sài Gòn càng tôn thêm sự lung linh, diệu kỳ của dòng kênh Nhiêu Lộc trong mùa sen nở tháng Tư, không chỉ những người con Phật cảm thấy tự hào, rạo rực những cảm xúc trong ngày Phật Đản Sanh, mà những người dân qua đây, ai cũng sinh lòng hoan hỷ, vui mừng trước vẻ đẹp mà chỉ vào tháng Tư mùa Phật Đản Sanh mới có.
04/2015

Chơn Ngọc Thanh

Tản mạn về cây hoa sữa đầu nhà


Gần nhà tôi có một cây hoa sữa khá to, được trồng nơi đầu phố, tuổi thọ của nó chắc cũng lên đến vài ba chục tuổi, có lẽ nó là một trong vài cây hoa sữa hiếm hoi giữa lòng phố Sài Gòn.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi về nhà mở bung cánh cửa sổ là hương hoa sữa lùa vào thơm ngát cả căn phòng. Cây hoa sữa cách nhà tôi vài căn nhà, đủ để thưởng thức hương thơm của nó vì nếu lại gần, hương thơm của nó sẽ tỏa ra nồng nàn dữ dội, hương thơm ấy chỉ ngan ngát, dịu dàng khi được bàn tay của gió mang đi.


Mùi hương hoa sữa khiến tôi chợt nghĩ, mùa này, có lẽ những người con Hà thành lưu lạc tại Sài thành không khỏi vấn vương nhung nhớ tới mùi hoa sữa êm đềm, nhớ về Hà Nội mùa cuối thu. Có khi nào dạo phố đêm, họ chợt nhận ra một mùi hương sao mà quen quá, không thanh thoát mà cũng chẳng thơm lừng kiêu hãnh như hương thơm của những đóa ngọc lan, hương thơm của nó ngọt ngào, êm đềm, nồng nàn lan tỏa bao trùm khắp cả không gian khiến ta có một cảm giác rất thân quen, như kỷ niệm của những ngày xưa thoáng chốc ùa về khiến lòng rộn ràng lưu luyến. Cố gắng nghĩ thử xem, mà ta vẫn không thể nhớ ra mùi hương quen thuộc đó là gì, nó khiến ta có một cảm giác rất dễ chịu, rất bình yên. Trong thời khắc đó, ta chỉ muốn dừng lại hít thật sâu và thở ra thật nhẹ, cho cái cảm giác mát lành lan vào khắp cơ thể để cuốn đi mọi thứ hỗn độn ngổn ngang trong tâm thức…, rồi mới khẽ mỉm cười, nhận ra đó là hương hoa sữa.

Hương hoa sữa là vậy đó, nó như có một phép lạ vô hình, một sự lôi cuốn kỳ diệu, khiến người ta khi bắt gặp đã phải dừng lại, hít một hơi thật sâu để thưởng thức cái dung vị nồng nàn. Hoa sữa, tinh khôi, dịu dàng như một người con gái đầy quyến rũ, có thể lôi cuốn một chàng trai trở nên mê mẩn với hương thơm mê hoặc của mình. Trong thời khắc làm con người ta si mê, hương hoa sữa đã thừa cơ lan tỏa khắp nơi và mọi ngõ ngách trong đầu, xóa tan mọi suy nghĩ vẫn vơ, cho ta có một cảm giác dễ chịu và bình yên đến lạ.

Cảm giác bình yên là thứ cảm giác mà bất kỳ ai cũng mong muốn có, nhưng nó chỉ đến với ta khi mọi cảm xúc vui buồn hỗn độn của tâm lắng xuống, khi mọi suy tư trong đầu tan biến mất là lúc bình yên sẽ lan tỏa trong ta. Nếu chúng ta cứ mải mê bị cuốn theo những thứ ngoài kia, tham chấp và gom nhặt cất vào kho trí óc bất cứ gì có thể, thì chỗ nào đâu dành cho mình được bình yên? Nếu như tâm hồn ta không chịu bình yên mà cứ nổi sóng với những vui buồn tạm bợ thì hương hoa sữa kia cũng thoáng qua như một cơn gió và ta có thể quên ngay lúc vừa đi ngang qua nó, cho dù đó là hương hoa sữa hay hương thơm của một loài hoa khác sẽ không có cơ hội len lỏi vào ta, để ta được thưởng thức. Chỉ khi dừng lại, lắng nghe và cảm nhận ta mới nhận thấy những giá trị đẹp của cuộc đời, và chỉ những khi dừng lại ta mới cảm nhận được bình yên.
Cây hoa sữa cũng có nét tương đồng với tâm thức con người, khi phố xá ban ngày nhốn nháo, ồn ào, nó vẫn mang những chùm hoa tươi xinh đứng lặng lẽ nơi góc phố, không một thoáng tỏa hương, nhưng khi đêm về, khu phố dần vắng lặng, xe cộ bớt qua lại ồn ào, đợi lúc này, hoa sữa mới nhẹ nhàng bừng tỏa hương thơm theo từng cung bậc.
Phố Sài Gòn về đêm, bình yên và dễ thương biết mấy. Sài Gòn đâu phải chỉ tất bật, ồn ào, khói bụi... Phố Sài gòn cũng dịu dàng, trong lành, yên tĩnh về đêm. Nếu những ai không chủ động dành cho mình những khoảnh khắc bình yên như vậy, chắc chắn sẽ không tìm thấy cho tâm hồn những giây phút lắng đọng để thưởng thức cuộc sống. Huống chi sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng ta còn giữ thói quen mang theo công việc về nhà, giữ lại những phiền toái trong đầu, nhớ đến chúng trong bữa cơm và ngay cả khi đi ngủ. Như vậy, trong suốt cuộc đời ngắn ngủi này ta cũng không thể tìm cho mình một khoảnh khắc bình yên.

Tôi nghe các thiền sư dạy rằng, sự bình yên sẽ đến mỗi ngày, mỗi thời khắc, nếu như ta biết tự lắng đọng những cặn, bụi nơi tâm hồn phàm tục của mình. Như vậy, sự bình yên không đến từ nơi căn phòng nhỏ, từ mùi hương hoa sữa, đến từ những con đường vắng lặng, hay một tác nhân ngoại cảnh nào. Mà sự bình yên vốn ngự sẵn trong ta, trở lại với ta từ sâu trong tiềm thức của mình. Chính ta đã quên đi sự bình yên ấy. Muốn có được sự bình yên, ta phải tìm lại chính mình.

Lúc này, cây hoa sữa đầu phố đang kỳ nở rộ, căn phòng nhỏ của tôi may mắn được ướp mùi hương của tạo hóa từ thiên nhiên, nếu không biết thưởng thức nó thì hoa sữa tàn, hương thơm ngọt ngào của nó cũng sẽ mất đi, phải đợi mùa sau hương thơm của hoa sữa mới lại về. Trước khi đi ngủ, tôi không quên mở cửa sổ khi ngủ để đón lấy mùi hương hoa sữa, hít một hơi thật sâu rồi nhắm mắt, hoa sữa êm đềm lan tỏa, hương thơm dịu dàng, mềm mại, êm đềm như một khúc hát ru…

Sáng sớm khi vừa mở mắt, hương hoa sữa bỗng nhiên tan biến đi đâu mất. Cây hoa sữa đầu phố đang nghiêng mình trong nắng sớm, vẫn trắng rộ những chùm hoa, nhưng hương thơm thì lại khiêm nhường giữ kín chẳng phơi bày,… nó lại đợi về đêm. Cùng anh, chúng tôi nhâm nhi tách trà buổi sớm. Ngày mới mọi thứ đều tinh khôi, năng động những chiếc lá bàng rung rinh qua khung cửa, đong đưa những đọt bàng non, xanh mượt ngọc ngà, vòi hoa bàng từng bông mới chồi lên lún phún, từng bông phun các nhụy tơ bóng mượt là bữa sáng thú vị của đám ong và các loại côn trùng. Trên cây, lác đác những lá bàng rực đỏ, những lá đang chuyển màu vàng, và một vài chiếc lá bàng khô chao mình rơi trong gió sớm mai… sinh, diệt vốn vô thường, cũng là lẽ bình thường… nhưng đôi khi ta lại giật mình nhìn những sự vật thường tình ấy với cái nhìn và cách nghĩ khác thường, bởi ta còn vô minh, còn đắm chìm theo cảm xúc. Vì vô minh nên ta còn chấp, còn ham vui, đeo bám theo cảm xúc đời thường. Tôi khẽ mỉm cười, nhớ đến những lời pháp của các vị thiền sư rồi tự nhủ “Phải cố gắng làm tốt công việc của hôm nay, và chăm sóc chu đáo cho gia đình hạnh phúc này vì nó chính là sự bình yên hiên tại của tôi”.
Sau bữa cơm sáng, chúng tôi lại chuẩn bị đến cơ quan, bắt tay vào công việc của một ngày…
Ngọc Thanh- Kaguya Hime

Hoa Đồng Tiền


"Anh ơi, vì sao người ta gọi là hoa đồng tiền anh nhỉ?". Anh cảm thấy lúng túng, nên vội giả đò ngó trước ngó sau: "Thì đấy, trông nó chẳng phải tròn tròn giống như đồng tiền còn gì nữa!".

Sau một hồi ngơ ngác đầy thắc mắc, em lại hỏi: "Vậy tại sao hoa cúc cũng tròn tròn mà không gọi là hoa đồng tiền cơ chứ?". Anh bắt đầu bí với những câu hỏi đơn giản của em, nên đành ấp úng: "À, thì bởi hoa đâu có nói được, nên người ta thích gọi tên thế nào thì nó ra thế ấy!".
Nói thế, hóa ra bấy lâu nay anh chẳng biết hoa thực sự là gì, ngoài màu sắc, mùi hương và ý nghĩa qua một vài cái tên mà người ta thường quen gọi. Nói thế, cái anh đã biết chỉ là kinh nghiệm của sự biết, nó vẫn đang mơ hồ bám theo những đám mây đang bay đi xa. Chỉ khi nghe tiếng chạm nhẹ nhàng trong tiếng vỗ cánh của bầy ong, anh mới thấy hoa bên em hồn nhiên đầy sức sống, như con kiến nhỏ từ chiếc lá xanh vừa trượt mình rơi xuống.
Em lại hỏi: "Hoa có mắt không hả anh?". Anh chưa kịp trả lời có hay không, thì em nhẹ nhàng bước đi giữa vườn hoa và bắt đầu lẩm nhẩm đếm, đến lúc gần như không đếm được nữa rồi thì em bỗng reo lên: "Anh ơi, em biết mắt của hoa đồng tiền ở đâu rồi anh ạ!".
Rồi em bảo anh phải nhìn thật kỹ vào mắt em, vì có những đóa hoa đang nhìn em trong đó. Còn nữa, em nói rằng, em thấy mặt trời dạo chơi trên mỗi cánh hoa và từ phương trời rất xa có một đôi mắt biếc xanh đang nhìn em đầy trìu mến.
Em ơi, anh biết hôm nay bầu trời trong như niềm vui tinh khôi của em, nên xanh biếc hóa thành muôn ánh mắt. Và anh cũng vừa thấy hoa đồng tiền như vũ điệu mạn đà la, ở đó có đôi mắt chưa một lần che giấu…
Và những ánh nhìn cùng nhau mất hút giữa một miền hoa đang tỏa nắng…
(Viết tặng người yêu hoa)
Thích Thanh Thắng

Hoa cát tường

Ai đang nói với tôi những lời thì thầm không dứt về một chiếc lá đã đi theo tôi suốt quãng đường dài. Và bầu trời hôm nay lên xanh, cho tôi mượn vào một vài âm thanh từ phía bên kia hư không thăm thẳm. 


Cho tôi mượn vào tiếng kêu gọi bạn của đàn chim diệc. Cho tôi mượn vào tiếng cười của những người vừa bước ra từ truyền thuyết và cổ tích. Cho tôi mượn vào những điều người đời cho rằng là vô ích… Để tôi thú nhận về những giấc mơ mà trong đời thực này tôi chưa bao giờ biết, chưa bao giờ tiếp xúc, chưa bao giờ hình dung ra được những ai, đang ở đâu…

Tôi vẫn cứ nghĩ rằng tôi đang cần thời gian để hoàn thiện bản vẽ của tôi, cho một sự tưởng tượng chết khô nơi màu sắc. Nhưng điều gì đã từng làm héo khô bao khoảnh khắc, nhất là khi tôi muốn nhìn đời bằng khát khao và những hình dung về hạnh phúc. Tôi đã từng không ít lần làm như thế với tôi, rồi tôi chợt nhận ra lòng hồ nghi và ngay cả sự đồng điệu với ai đó cũng là một cuộc bỏ rơi mình nhanh nhất.

Chẳng lẽ tôi vẫn đang cô đơn với chính mình như thế này ư? Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, cho đến lúc ánh hoàng hôn vừa tắt. Cái tôi biết vẫn chỉ là cái tôi đang biết. 

Và thế là lần đầu tiên tôi hát: 
Về đâu gió rong chơi, về đâu mây ngừng trôi, về đâu chưa thành lời, về đâu… đã về rồi… Cát tường đang nhìn tôi, ngàn hoa đang nhìn tôi, mùa hoa đang mùa vui, đã về… đã về rồi…

(Viết tặng người yêu hoa)
Thích Thanh Thắng

July 19, 2013

Ý Nghĩa Của “Tử Tế”


Sự tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người. Ở đâu có tử tế thì ở đó có sự an vui, ở đâu thiếu từ tế thì ở đó mọi người bất hòa nhau và không tôn trọng lẫn nhau. Tử tế đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, thế nhưng có lẽ không ít người chưa hiểu hết ý nghĩa của hai từ “Tử tế”.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về sự tử tế, có người cho rằng “Tử tế là sự có qua, có lại, là cách ăn ở, cư xử với nhau cho tốt”, hay “Tử tế là cách hành xử của một con người, còn không tử tế đó gọi là hủi chứ không còn là người nữa”, hoặc sâu sắc hơn thì “Tử tế là sự tế nhị, cẩn trọng trong những việc nhỏ nhất”… Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau về “tử tế”, nhưng có một điểm chung là ai cũng cho rằng, “tử tế” là một giá trị đẹp và rất nhân văn. Có thể ví sự tử tế như những bông hoa tô điểm cho cuộc đời này vậy, nếu thiếu vắng đi sự có mặt của những bông hoa trong cuộc đời này thì cuộc sống chẳng còn gì là đẹp.
Tử tế không chỉ đơn giản là cách ứng xử tốt với nhau. Sự đối xử tốt với nhau chỉ là một trong những khía cạnh nhỏ để nói lên sự tử tế của một con người, mà đã là con người thì phải có sự tử tế.
Tôi đã từng xem qua đoạn phóng sự về “sự tử tế” của “những nhà làm phim tử tế” trong những năm tháng đất nước ta còn lâm vào cảnh đói nghèo. Bộ phim rất hay, thực tế và cảm động vì cốt truyện hoàn hoàn có thật chứ không phải là sản phẩm được dựng lên bắt nguồn từ trí tượng tượng của đạo diễn hay nhà biên kịch nào viết ra nó cả. Câu chuyện ấy chắc chắn đã cướp đi không chỉ của tôi mà còn những người khác ít nhiều nước mắt. Chân lý vẫn luôn là sự thật và không một ai có đủ sức mạnh để phá hủy nó. Sau một màn đêm u tối như thường lệ thì mặt trời vẫn luôn tỏa sáng và với cái ác thì cái thiện vẫn luôn là người chiến thắng.
Sự tử tế cũng thách thức trí thông minh của con người, vì sự tử tế cũng cần phải học. Để làm một con người tử tế đúng nghĩa thì chúng ta cần phải học tập và rèn luyện.
Có thể khẳng định rằng, một con người tử tế là một con người thông minh. Những người thông minh họ biết chắc chắn một điều rằng, đã là chân lý thì không bao giờ đổi thay. Họ hiểu được rằng, cho đi là sẽ được nhận lại nên sẽ không ngại ngần gì khi đối đãi tử tế với một người, với họ đối xử tử tế với người khác là một cơ hội lớn. Đơn giản như việc giúp đỡ người khác lúc khó khăn, lau nước mắt cho bạn khi bạn khóc, ngồi lắng nghe bạn giải bày tâm sự khi bạn buồn, mua cho bà lão ăn xin một hộp cơm… Đôi khi những điều đơn giản đó lại là ước mơ của nhiều người khác. Như vậy, những việc làm tử tế của chúng ta đã nói lên rằng mình may mắn hơn những người muốn trở thành người tử tế mà không có cơ hội để làm.
Tử tế không chỉ là giúp đỡ một ai đó trong lúc khó khăn mà tử tế còn là sự chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau, xoa dịu cho nhau những vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn… Có một nhà làm phim trước lúc lâm chung đã trăn trối với những người bạn chí cốt câu nói rằng: "Tâm hồn con người nặng hơn gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không thể mang nổi. Bởi thế, chừng nào chúng ta còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người khác ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống này".
Khi xem đoạn phóng sự về “sự tử tế”, tôi thật sự rất xúc động bởi câu chuyện có thật của một người mẹ bị bệnh hủi (phong cùi). Người phụ nữ ấy có chồng và một đứa con trai, chẳng may chị bị mắc bệnh hủi và chồng chị đã bỏ ra đi, để lại người vợ đau đớn, bệnh hoạn cùng với đứa con trai thơ dại. Chị không thể nuôi con vì sợ con bị lây bệnh nên đã gởi cháu cho bà, chị lang thang nơi đầu đường xó chợ để xin ăn dưới con mắt xa lánh, miệt khinh của người đời. Nhưng hằng đêm chị vẫn mò về nhà, mang những gì xin được về cho con. Cuộc sống quá đau đớn và cùng cực, chị đã nghĩ đến cái chết, nhưng sự tử tế của một người mẹ đã không để chị ra đi một cách dễ dàng như vậy. Trước khi chết chị phải để lại cái gì đó cho con và chị đã quyết định xây cho con một căn nhà bằng gạch. Ban ngày vẫn lay lắt đi xin ăn, còn ban đêm người mẹ ấy phải chống chọi với cơn đau xé ruột của bệnh tật, cái lạnh cắt da của tiết trời mùa Đông miền Bắc, bằng đôi tay lở loét của người bị bệnh hủi, suốt một thời gian dài chị đã hì hục đúc mười vạn tám trăm viên gạch bằng đất sét để xây căn nhà cho đứa con trai.
Chị là một người mẹ tử tế nhất trong những người mẹ khác. Dù bản năng làm mẹ là yêu thương con cái nhưng đâu dễ người mẹ nào cũng tử tế đến mức như thế, trước sau gì cũng chọn cái chết, sao không chết quách đi cho khỏe, đau đớn về bệnh tật chưa đủ hay sao mà lại còn đày đọa mình lăn lộn trong đêm giá rét cực khổ đóng từng viên gạch một vì con. Như vậy mới biết sự tử tế còn bao gồm cả sự bền bỉ, chịu đựng và hy sinh. Sự tử tế cao thượng ấy chỉ có thể là sự tử tế của một người mẹ đối với con mình. Đâu phải dễ để có thể làm một người tử tế. May mắn cho chị, căn bệnh hủi lúc bấy giờ rất khó trị liệu, chị là một trong những người có phước duyên lớn, chị đã gặp được một người bác sĩ giỏi và tử tế, người bác sĩ này đã chữa trị cho chị khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Thật mừng cho hạnh phúc của hai mẹ con lại thêm một lần được nở hoa.

Là những người học Phật, chúng ta hãy sống thật tốt trong khả năng mà mình có thể, cuộc đời sẽ đối đãi tốt lại với mình, cho đi là nhận lại, gieo nhân nào gặt quả nấy. Luân hồi xoay chuyển, ta cho-ta nhận, ta gieo-ta gặt, ta giúp-ta được… Vậy lý gì chúng ta không đối đãi tử tế với nhau? Tử tế với người khác cũng là tử tế với chính mình, là làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình, bổn phận của một người mẹ, người cha, người anh, người chị, người em, người vợ, người chồng, đúng bổn phận của cấp trên cấp dưới... bổn phận của một cái gì đó là mình…
Sự tử tế là một yếu tố quan trọng, là một phần không thể thiếu trong nhân cách của một con người hoàn thiện. Sự tử tế cũng như nhân cách của mỗi người được hình thành từ nhiều nhân tố, chịu sự tác động của nhiều phương diện khác nhau, đó là sự tác động của môi trường sống trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường, môi trường sống ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân. Chính vì sự tử tế không thuộc về bản năng, không phải tự nhiên mà có, phải qua quá trình giáo dục, học tập và rèn luyện, cho nên có thể đào tạo nên những con người tử tế cho xã hội thông qua giáo dục. Một trong những phương pháp giáo dục có sức ảnh hưởng, tác động mạnh nhất đó là nêu gương và giáo dục bằng những tấm gương sinh động trong cuộc sống thường nhật. Vì thế, những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, đào tạo, những người đàn anh đàn chị, những người lớn, người đi trước phải là những hình ảnh mẫu mực về sự tử tế để cho thế hệ trẻ noi theo. Tuy nhiên, để trở thành người tử tế thì sự phấn đấu rèn luyện và ý thức tự giác cũng như sức mạnh của ý chí cá nhân mới là nhân tố quyết định. Do vậy, mỗi người phải tự rèn luyện để có thể vượt qua những cám dỗ, rào cản hay những chướng ngại trong cuộc sống và chứng tỏ mình là một con người tử tế.
Cách chúng ta thể hiện những cử chỉ lịch sự, những lời nói từ ái, những việc làm nhân đức là những sự tử tế khác nhau mà không giấy mực nào có thể diễn tả hết được. Quý vị trân quý những cảm nghĩ của tôi và góp ý những gì còn thiếu sót cũng là sự tử tế. Và sự chân thành khi tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người, những ai chưa một lần nhìn sâu vào ý nghĩa của sự tử tế, để chúng ta sống tốt hơn cũng là một việc làm tử tế.
Ngọc Thanh

June 15, 2013

Ai cho ta hạnh phúc?

Chắc chúng ta ai cũng nhiều lần tự đặt ra cho mình những câu hỏi mà không tìm được câu trả lời, rồi tự đưa mình vào bế tắc… Vì sao tôi mệt mỏi thế này? Vì sao tôi trở nên như vậy? Vì sao người đó lại là tôi? Ai cho tôi hạnh phúc?...
Có lúc ta từng đi tìm hay tự đặt ra cho mình những câu hỏi mà không ai có thể giúp ta trả lời được. Cũng như tại sao lại có cái này, lại xuất hiện cái kia, nhiều khi câu trả lời lại nằm trong chính bản thân sự việc.
Ta quanh quẩn đi tìm đâu đó trong khi bản thân ta đang chính là câu trả lời cho tất cả những gì mình thắc mắc. Không ai cho ta hạnh phúc, cũng không ai làm ta khổ đau ngoài ta cả!
Có những câu hỏi mà đối tượng hỏi đến vô cùng phi lý: “Trời Phật ơi, sao bất công như vậy?” Tại sao vậy ông trời? Ông trời là ai, liên quan gì đến cuộc sống của ta, có ai biết trên đời này có ông trời…?
Trong cuộc sống, ta phải lắng nghe những điều thị phi, phải đối mặt với những rắc rối, phiền muộn, chán nãn và mệt mỏi… Sao không quay lại hỏi chính mình: “Tại sao mọi việc lại trở nên như vậy? Bây giờ mình phải làm như thế nào để giải quyết được vấn đề này?
Thực ra, sự than vãn, hay đòi hỏi cái này cái kia, đơn giản như việc đi chùa cầu danh lợi, bạc tiền, sức khỏe… là do thiếu hiểu biết, do lòng tham của con người mà ra. Đức Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta vậy”. Phật đâu có nói đến cầu Phật thì Phật sẽ ban cho có được nhiều tiền, được danh vọng, địa vị, sức khỏe... Không ai có quyền ban phước hay giáng họa cho người khác cả. Chính Đức Phật cũng không làm điều đó. Đức Phật là người thầy dẫn đường, người chỉ dạy chúng ta cách làm thế nào để có được bạc tiền, có được hạnh phúc, có được sức khỏe, có được bình an trong cuộc sống… Nếu chúng ta biết vận dụng, thực hành theo lời Phật dạy thì mới có được những thứ đó, bằng không thì không thể nào có được. Hiểu được điều này, chúng ta cần phải chịu khó học hỏi, chuyên tâm thực hành, chứ không đi cầu xin, khấn vái chi cho mất thời gian, để rồi khi không được gì thì quay lại trách trời, trách Phật không thấu, chẳng thương mình…
Mọi sự vật hiện tượng diễn ra trên cuộc đời này đều có nhân quả chứ không phải ngẫu nhiên. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ bất hạnh, kẻ gặp nhiều điều xui xẻo, là người không may mắn, hoặc than oán cuộc đời sao lắm những bất công. Mọi việc đều có sự tác động của quy luật nhân quả, vì nó vốn tuần hoàn từ vô lượng kiếp. Thế nên kinh Phật mới có câu: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (Muốn biết nhân kiếp trước, nhìn vào quả kiếp này; muốn biết quả kiếp sau, nhìn việc làm hiện tại).
Trong cuộc sống, trong công việc, nhiều khi ta rất cố gắng, sống tốt bụng, và đối xử  chân thành với mọi người, thế mà vẫn phải nhận lại những chê trách, mỉa mai, thị phi, hay phải chịu đựng những điều vô cùng oan uổng… Lúc đó ta nghĩ cuộc đời này bất công, lòng người sao ích kỷ, hẹp hòi, xấu xa, ác độc. Nhưng nếu chúng ta bình tâm mà suy xét, biết đâu những gì gọi là bất công, bất hảo mà ta đang phải đối mặt ấy là kết quả mà ta phải nhận lãnh từ những nguyên nhân bất thiện mà ta đã từng làm trong kiếp quá khứ? Biết đâu trong quá khứ chính mình lại là người có những bản tính không tốt, làm ra những điều xấu xa kia với người khác, để giờ người ta có ác ý hại mình? Hãy đón nhận và suy ngẫm mọi vấn đề một cách sâu sắc thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và cuộc sống của chúng ta sẽ bình yên hơn. Mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng khi ta tìm ra được nguyên nhân, “Sự việc… thì ra là như thế!”. Khi nghiệp đến, mình sẵn lòng đón nhận thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.


Tại sao cũng là kiếp người mà lại có kẻ giàu người nghèo, có kẻ xấu người đẹp? Người có thân tướng xinh đẹp, có của cải nhiều, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc đời thì họ được sung sướng, tự hào; còn người có thân tướng xấu mà lại gặp nhiều xui rủi, bất trắc trong cuộc sống thì luôn phải xấu hổ, tủi nhục và khổ đau.
Trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy rằng:
“Đời này chỗ này buồn,
 Chết rồi chỗ  khác buồn,
 Kẻ làm điều ác nghiệp,
Cả hai nơi đều lo buồn,
 Vì thấy ác nghiệp mình gây ra,
 Kẻ kia sinh buồn than khổ não”. (Pháp Cú, 15)
Trong thực tế cuộc sống, người đẹp, người giàu thì ít, người không đẹp, nghèo khổ thì nhiều, cũng như người có tấm lòng nhân hậu, tốt bụng thì hiếm thấy, còn người có lòng hẹp hòi, ích kỷ lại luôn bàng bạc quanh ta.
Ai cho những con người kia may mắn, có được thân tướng đẹp, có cuộc sống an bình, hạnh phúc? Không có vị Phật, vị Thánh nhân, hay ông bà tổ tiên nào cho họ cả, mà chính bản thân họ đã tạo ra công đức, phước báu từ vô lượng kiếp. Trong nhiều kiếp trước họ biết tôn kính, cúng dường Tam bảo, biết sống đúng đạo nghĩa, biết giúp đỡ người khác, biết san sẻ, cho đi, biết vui sống chan hòa, biết thương người, yêu vật, không sát hại sinh linh thì hiển nhiên kiếp này họ được trả ơn, họ được nhận lại những gì mà họ đã cho đi từ nhiều kiếp trước, nên kiếp này họ mới được như vậy. Như trong lời kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Đời này chỗ này vui,
 Chết rồi chỗ khác vui,
 Kẻ làm điều thiện nghiệp
Cả hai nơi đều vui,
Vì thấy thiện nghiệp mình đã làm,
 Kẻ kia sinh ra an vui, cực vui”. (Pháp Cú, 16)
Còn những kẻ trong quá khứ thấy Phật mà không biết kính, gặp chánh đạo mà không biết trọng học, sống bỏn sẻn, ích kỷ hẹp hòi, tâm địa không tốt, không biết thương người, yêu vật, phạm nhiều tội sát sanh thì quả báo kiếp này là thân tướng xấu xí, tật nguyền, nghèo khổ, đói rách, gặp nhiều chướng ngại, bất trắc trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cả hai hạng người này nếu có phước duyên gặp được Chánh pháp, biết tinh tấn tu tập thì phước báu tăng thêm, nghiệp chướng tiêu dần.
Thế nên, không phải than khổ, oán trách ai, mà nên nhìn lại chính mình, suy xét lại  thân khẩu ý của mình ngay ở trong hiện tại để sớm ngộ ra chánh-tà, thiện-ác rồi lo tu sửa. Có những việc làm mà nhân quả biểu hiện ngay trong hiện tại, nếu để ý thì sẽ thấy ngay, còn có những việc có tiến trình từ nhân đến quả diễn ra rất dài, nhưng dù có đến muôn vạn kiếp đi nữa thì thế nào chúng ta cũng sẽ phải nhận lãnh kết quả. Vậy, hãy tránh xa điều ác, hướng đến việc thiện lành, giữ thân tâm thanh tịnh, để có một cuộc sống hiện tại an lạc, nhẹ nhàng:
 “Người trí điều phục thân
  Cũng điều phục ngôn ngữ,
 Điều phục luôn tâm ý,
Ba nghiệp thảy điều phục”. (Pháp Cú, 234)
Vì vô minh nên ta không thấy được luân hồi, nhân quả. Đức Phật mới răn dạy chúng ta sống một kiếp người cho trọn vẹn, tu dưỡng thân, khẩu, ý cho tốt. Tu còn có nghĩa là học, sống, làm việc và hành trì pháp môn tu. Phải tinh tấn tu học mới có được một cuộc sống an vui, no đủ. Con người ai cũng vậy, phước báu thì có hạn, mà nghiệp chướng thì vô cùng. Nên chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, việc thiện nhỏ mà bỏ qua, điều đó nguy hiểm vô cùng, có cái nhỏ rồi mới sanh trưởng dần thành cái lớn. Nên việc ác nhỏ đến mấy cũng tránh xa, việc thiện nhỏ đến mấy cũng vui vẻ làm cho trọn vẹn.
Biết được quy luật nhân quả, luân hồi, nên dù cho những điều không may mắn đến với mình thì cũng vui vẻ đón nhận nó, vì đấy là kết quả do chính mình tạo ra, là quả đắng mà mình đã gieo trồng, và tiếp tục tinh tấn tu học để chuyển hóa nghiệp lực, tích lũy công đức, tạo phước báu cho đời sau. Hoặc giả mình có phước, gặp nhiều duyên lành thì vẫn phấn đấu tu học để vun bồi công đức, tăng thêm phước báu, tạo được nghiệp lành cứu người, giúp đời để đời sau tiếp tục có được đời sống no đủ, sắc tướng thánh thiện và đẹp đẽ. Hạnh Phúc của cuộc sống này là có một cuộc sống chan hòa, bình yên, no đủ, thân tâm an lạc, có được sự thương mến, nể trọng của mọi người. Đó là những thứ mà chính bản thân ta có thể cho ta.
Chơn Ngọc Thanh (Tạp Chí Đạo Phật Ngày Nay Số 29)

June 06, 2013

Vì em là Phật tử


Cứ vào buổi sáng ngày rằm là tôi thường đến ngôi chùa quen thuộc gần nơi ở để lễ Phật trước khi đi làm. Nếu ngày ấy rơi vào ngày nghỉ cuối tuần thì tôi ở lại chùa lâu hơn để cùng tham dự thời tụng kinh với đạo tràng của chùa.
Hôm ấy là ngày rằm tháng Giêng, lại đúng vào ngày chủ nhật, nên tôi đến chùa lễ Phật, tụng kinh cầu an đầu năm. Trong đạo tràng hôm ấy có một cô gái thân hình xinh xắn, trẻ trung và có chất giọng rất thanh tao. Chính chất giọng của em đã khiến cho tôi phải chú ý. Sau thời tụng kinh, tôi đến bắt chuyện và làm quen với em. Là những người đồng đạo, đồng tu nên tôi với em cảm thấy mến nhau và trò chuyện với nhau một cách thân mật. Em cho biết, em mới chuyển chỗ ở đến gần chùa nên đây là lần đầu tiên em đến chùa này lễ Phật, tụng kinh. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau trong các buổi tụng kinh vào ngày chủ nhật.
Tôi và em cách nhau vài tuổi, trong đạo tràng lại rất ít người trẻ tham gia, ngoài tôi và em, thỉnh thoảng mới có một vài bạn trẻ khác đến chùa tụng kinh, còn lại đa phần là các cô, các bác lớn tuổi. Cho nên tôi với em thỉnh thoảng trò chuyện với nhau sau các thời tụng kinh là chuyện dễ hiểu, vì chúng tôi đồng trang lứa với nhau, lại cùng mến đạo, cùng có tâm hướng thiện. Dần dần tôi cảm thấy mến em, bởi ở em có những nét đặc biệt mà các cô gái khác khó có được. Em đã tốt nghiệp đại học và đi làm công việc văn phòng, nói một cách nôm na thì em là dân công sở. Làm việc trong công sở thì người nữ thường trang điểm và mặc những bộ đầm công sở. Em cũng có trang điểm, nhưng cách trang điểm của em không lòe loẹt; em cũng mặc đầm, nhưng các bộ đầm em mặc trông rất thanh lịch và kín đáo chứ không ngắn củn hay kệch cởm như một số người khác.
Dù em khoác lên mình cái đầm công sở khi đi làm hay mặc bộ đồ lam, đồ nâu khi đến chùa, ở em vẫn luôn toát lên một nét duyên dịu dàng, đằm thắm khiến cho người khác cảm mếm em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em không sở hữu một vẻ đẹp kiêu sa, không có được dáng vóc của người mẫu, nhưng nét mặt em lúc nào cũng tươi vui, hiền dịu, lúc nào cũng toát lên một vẻ đẹp thánh thiện khiến không ai dám trêu ghẹo em bạo miệng như với các cô gái khác, có chăng chỉ là một chút bông đùa lịch thiệp. Mặc dù em sống giản dị, giản dị từ trong cách trang điểm cho đến trang phục và cả vật dụng em sử dụng, nhưng ở em không có một tí gì gọi là quê mùa, lạc hậu; ngược lại, em sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại một cách thành thạo, em đảm đang, tháo vát và xử lý công việc một cách khéo léo. Trong giao tiếp thì em rất lịch thiệp, tế nhị và luôn được nhiều người yêu quý. Ở em và tôi còn có một điểm chung là muốn chia sẻ và giúp đỡ những người bất hạnh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, thỉnh thoảng tôi có tham gia vào một số hoạt động từ thiện của các hội, nhóm. Giờ đây, biết em cũng thích làm từ thiện nên thỉnh thoảng chúng tôi cùng đi từ thiện chung.
Những lần cùng em đi làm từ thiện, đến thăm các trại trẻ mồ côi và các trại dưỡng lão, nhìn cách em quan tâm chăm sóc các cụ già, nhìn cách em nâng niu, ẳm bồng và đút thức ăn cho các em bé mồ côi, ở em toát lên tình thương yêu và sự dấn thân cao cả. Tôi thấy cách em chăm sóc các cụ già, các em bé giống như hình ảnh của một đứa con chăm sóc chính cha mẹ của mình, như một người mẹ, người chị dịu dàng đút cho con, cho em từng miếng ăn. Nhìn em, tôi ngẫm lại hiện thực cuộc sống, trong xã hội có những người con không biết thương kính cha mẹ ruột của mình, nói gì đến việc quan tâm, chia sẻ với người dưng nước lã; có những người cha, người mẹ đối xử tàn nhẫn đối với con cái, bỏ rơi con hoặc từ chối trách nhiệm làm cha làm mẹ, vậy thì làm sao họ có thể thương yêu, chăm sóc những đứa trẻ khác được. Còn em, với người ngoài mà em còn chăm sóc ân cần, nâng niu đầy thương yêu như thế thì với cha mẹ, người thân của em, chắc hẳn em càng hiếu kính và thương yêu hơn. Vào dịp cuối tuần, nhiều bạn đồng trang lứa thường rủ nhau đi chơi, rủ nhau ăn uống, hội hè, còn em thì thường đến chùa tụng kinh, lễ Phật, làm công quả hoặc tham gia các chương trình từ thiện.
Đi chùa và làm các việc thiện là niềm vui lớn đối với em. Em là một người có trình độ, có năng lực, nhưng em vẫn tỏ ra khiêm tốn và ham học hỏi. Em luôn luôn thân thiện và lịch thiệp với tất cả mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy em lớn tiếng với ai, chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt em hờn giận hay nét mặt em bực tức ai cả. Thấy em mặc áo dài là chuyện rất bình thường, nhưng bắt gặp em trong chiếc áo dài màu lam, tôi thấy em thật thánh thiện, một nét thanh tao, mềm mỏng và rất tinh khôi. Em như cánh hoa sen khẽ rung mình trong nắng hạ. Hình ảnh ấy càng làm cho tôi thêm cảm mến em hơn. Dù em không tham gia vào các cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt của anh chị em đồng nghiệp trong cơ quan, nhưng mọi người trong cơ quan luôn quý mến em. Em chưa từng làm mất lòng ai cả và luôn hoàn thành tốt trách nhiệm, công việc của mình. Em cũng có nhiều bạn bè, nhưng bạn bè của em đa phần đều thích đi làm từ thiện, đều biết tu học và đặc biệt là đều rất dễ thương, ngoan hiền. Đúng là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Có lần tôi hỏi em:
- Em là một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, có học thức và có khả năng tài chính, tại sao em lại không đua đòi, không chưng diện và chơi bơi như rất nhiều bạn trẻ khác?
Em đáp rằng:
- Anh ạ, đơn giản chỉ vì em là một người Phật tử. Vâng, vì em là Phật tử nên em không thích chơi bời, không thích chưng diện nhiều; vì em là Phật tử nên em vâng theo lời Phật dạy, biết thương yêu và chia sẻ với tất cả mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh; vì em là Phật tử nên em luôn sống bao dung và hỷ xả…
Em đúng là một người Phật tử mẫu mực. Nếu có được nhiều người Phật tử như em thì chắc hẳn xã hội sẽ bớt đi nhiều chuyện thị phi, sẽ bớt đi nhiều khổ đau và buồn phiền không đáng có. Em ạ! Em là một mẫu người con gái lý tưởng mà nhiều người con trai đàng hoàng trong xã hội đang kiếm tìm, đang ước mơ có được. Cầu chúc em luôn gặp nhiều duyên may trong cuộc sống và luôn vững tâm trước những sóng gió, chông gai của cuộc đời. Được làm bạn với em là một niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Nhìn thấy em trong chiếc áo dài lam nhẹ nhàng dâng lên chư Phật nén nhang đầy thành kính, tôi thấy một nét tinh khôi toát lên từ hình ảnh của em.

Ngọc Thanh ( tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 3o)

April 20, 2013

Tháng Tư



Tháng tư, tháng của những cơn mưa đầu mùa tươi mát cả đất trời sau cái nắng Sài Gòn oi ả, trên mỗi nẻo đường, con phố, ai cũng có thể nhận ra những ngày này tháng tư có nhiều thay đổi, đường phố trở nên nhộn nhịp , tươi vui…không chỉ được tô điểm thêm bởi tiếng ve, lác đác những bông hoa Phượng đầu hè. Tôi ngoảnh mặt nhìn quanh, hàng me vẫn hiền từ như thế…Nhưng Tháng Tư, sao đột nhiên lại gieo vào lòng tôi một cảm giác lạ kỳ hơn hẳn. Không phải là cái cảm xúc háo hức, bồn chồn, buồn vui lẫn lộn của thời học sinh, đã lâu không trở về… mà tháng Tư cho tôi niềm hạnh phúc lâng lâng, niềm hạnh phúc sen lẫn niềm tự hào dân tộc.
Cơn mưa đầu mùa tươi mát đất trời, tưới mát cả tâm hồn tôi. Đi đến đâu, tôi cũng thấy những lá cờ ngũ sắc bay bay trong gió, tháng Tư, tháng của niềm hân hoan và hạnh phúc ngập tràn. Ngày trăng tròn tháng Tư ngày Đức Phật giáng thế!...Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni phật! Tôi lại  hạnh phúc thốt lên lời tâm niệm ấy tự đáy lòng, Vui thay, mỗi khi nhìn thấy sắc cờ Phật Giáo tung bay trong gió. Cờ đạo hòa cùng màu cờ Đảng trên mọi nẻo đường đón mừng Đại Lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đón mừng Đại Lễ kỷ niệm Phật Đản  2257. May mắn thay! những con người được sống trên cái thế giới này, trong xã hội này, được tận hưởng những thành quả tốt đẹp nhất từ  những người đã ngả mình cho nền độc lập. Hạnh phúc thay những ai đang được giáo Pháp của Đức Phật dẫn dắt, nuôi nấng tâm hồn… Và tôi là người đang trọn vẹn hưởng hai niềm hạnh phúc lớn lao này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Xin gởi lòng thành kính tri ân đến những con người đã làm nên lịch sử.
Ngọc Thanh

April 18, 2013

NGHIỆP GIỮA MÈO VÀ RÙA

Buổi sáng thức dậy, mở cánh cửa ra tôi nhìn thấy một chú rùa con đang nằm chỏng chơ bốn chân ngọ ngoạy, cố lật mình lên, nhưng bốn cái chân ngắn tủn bé xíu ấy chẳng chạm vào đâu được. Tôi ngạc nhiên vì trên tầng năm này thì làm thế nào rùa có thể bò lên đây được. Đích thị là có một ai đó lên sân thượng thay nước cho hồ cá mà đánh rơi chú rùa con. Nhưng sao lại không thay nước trong phòng mà lại phải chạy lên sân thượng nhỉ? Mỗi phòng trọ ở đây đều có nhà vệ sinh và khu vực nấu ăn cả mà, nên trong phòng thiếu gì nước? Tôi cắt ngang những suy diễn quay vào phòng lấy cái thau nhỏ đổ tí nước, cho vào một lá cải rồi nhặt chú rùa con đặt vào thau. Tội nghiệp rùa con chắc là cả đêm qua nằm chỏng chơ ngoài này. Sau đó tôi đặt cái thau ra ngoài sân thượng cạnh vòi nước để lỡ chủ nhân có lên tìm thì thấy chú rùa nhỏ nằm ngay đó.

Cả buổi cũng không thấy ai đoái hoài đến con rùa nhỏ, tôi sợ nắng lại mang chú vào phòng đặt cạnh mình và ngồi làm việc. Lâu lâu lại liếc mắt nhìn xuống, đưa tay đánh thức chú ta đang nằm ngủ ngon lành. “Ngeo”, tiếng con mèo của bác bảo vệ dưới tầng trệt đây mà, thỉnh thoảng nó lại lên sân thượng nằm phơi nắng. Con mèo tự nhiên như người nhà, nó lại gần ngoe nguẩy cái đuôi cọ vào tôi nũng nịu làm tôi mất cả tập trung. Đột nhiên mèo ta chạy thẳng lại cái thau nơi rùa con đang ngủ, rồi “ngeo” lên một tiếng rõ to. Chú rùa ngọ nguậy trong thau bốn chân đạp lia lịa như đang tìm đường chạy trốn. Mèo ta liền đưa chân đè lên lưng rùa con đang vùng vẫy xoay mình. Sau đó, nó nhấc chân ra khỏi thau vẩy vẩy vì dính nước. Không thèm để ý đến rùa con, nàng liền chạy đến bên cái ly sứ của tôi cho chân vào ngoáy ngoáy, ồn ào đến bực mình.
- Có cái gì trong đó vậy mèo! Mi làm cái chi mà ồn thế hả?
Tôi đứng dậy, lại gần xem hóa ra mèo ta đang nghịch mấy con kiến gió trong ly. Đúng là một con mèo tinh nghịch. Không dừng ở đấy, khi tôi lấy lại cái ly và đặt nó lên bàn, mèo ta lại phóng ngay lên cây đàn piano làm rung lên mấy nốt. Nó giật mình nhảy phắt lên mặt bàn đưa bàn chân với với lấy bó hoa băng-xê khô tôi treo ở đó.
Tôi quát lên một tiếng, mèo ta nhảy xuống cọ vào tôi nũng nịu như thể bị oan, rồi lại mon men quanh cái thau của chú rùa con, gừ gừ, ngeo ngeo... Nó cảnh cáo gì chăng. Thấy mèo, rùa con vội thụt nhanh cái đầu mình vào chiếc mai mềm yếu.
Tôi kể với hàng xóm về chuyện nhặt được con rùa, giờ không biết làm sao. Thì chị ta mừng rỡ:
 - Đó là rùa của chị, chắc tại con mèo quỷ sứ tha nó qua nhà em đó! May quá chị đang tìm.
Tôi mới ngộ ra, hèn chi cả buổi sáng nay nó hăm he con rùa trong thau, thấy mình ngồi bên nó không dám manh động chứ không tiêu rùa con nhà chị rồi.
Tôi về phòng lấy con rùa mang sang cho chị thả vào cái hồ nhỏ đặt ngay trước cửa phòng cùng với một chú rùa khác đang nằm trong đó, phòng chị cách chỗ tôi có hai phòng, vì mới chuyển về đến nên tôi đâu có biết.
Vài hôm sau khi đi làm về, dắt xe vào nhà tôi gặp ngay chú mèo đang ngeo ngeo chạy lại vờn quanh chân mình. Tôi khẽ lấy chân hẩy nhẹ mèo ta rồi mắng yêu một cái: “Ai quen mày đâu đồ quỷ sứ!”. Chưa kịp ước chân lên bậc thang đầu tiên thì ô hô… “Sao lại nằm đây nữa rùa con!”. Bốn chân đang cố sức quơ lia lịa, cái đầu thụt ra thụt vào, ngóc bên nọ, nguậy bên kia. Thấy mà tội nghiệp, tôi quay lại, thủ phạm vẫn ngồi ngay đó, cái đầu nghiêng theo cử chỉ của  con rùa nhỏ.
- Cái con mèo trời đánh! Sao lại tha con rùa xuống dưới này vậy hả, tội nghiệp con rùa quá! Không biết kiếp trước có thù oán gì với con mèo này mà bị nó hành hạ thế hả rùa!
Nhặt chú rùa, mang lên tận lầu năm mà không biết đó là con hôm trước bị tha hay con rùa anh em của nó. Tôi thả con rùa nhỏ vào hồ, rồi trở về phòng.

Ngay sau cái hôm tôi nhặt được em rùa dưới cầu thang, chủ nhân hai bé rùa lại đến hỏi tôi có thấy một con rùa của chị ở đâu không? Chắc con mèo lại lên tha nó đi đâu rồi. Tôi chạy quanh sân thượng tìm giúp chị, nhưng cũng không thấy đâu. Đến chiều hôm sau, chị lại sang than thở mất luôn con còn lại nữa rồi. Tôi nói chị thử theo dõi hai con mèo dưới nhà xem sao. Bẵng một ngày mất hai con rùa nhỏ, không thấy mặt mũi con mèo nào bò lên lầu trên này nữa.
- Hay nó cắn chết rùa con rồi hả chị!
- Không đâu, mèo nó không ăn rùa bao giờ cả.
- Khổ thật, tối ngày đi làm, sao chị không mang mấy con rùa vào phòng để rồi khóa cửa phòng lại, đặt nó ngoài cửa mèo nó lại tha đi.
- Mấy lần để trong phòng rồi mèo nó vẫn chui vào được làm nước chảy tùm lum ra nhà, dơ lắm.
Thấy tôi và chị đi tìm rùa, hỏi thăm cô tạp vụ, quét dọn vệ sinh dãy trọ, cô nói: “Lúc nãy cô có thấy con mèo tha con gì đó dưới nhà xe”. Chị vội vàng chạy xuống tìm con mèo, thấy con mèo dưới đó nhưng không thấy rùa con đâu cả.
Khổ thân hai con rùa nhỏ không biết giờ này ở đâu, còn sống hay ngỏm mất rồi. Mà rùa thì sống dai lắm, có bỏ ăn mấy ngày cũng không sao, còn mèo thì lại không thích thịt rùa nên nó cứ bắt, tha đi bỏ vào cái xó nào đó chứ không gây thương tích gì đến cho rùa con cả.
Á á! Nghe tiếng la thất thanh từ phòng bên cạnh của anh chàng maketing trẻ tuổi, tôi vội vàng chạy sang thì thấy khôn mặt xanh lè của anh đang nhìn chiếc giày thể thao của mình nhìn tôi méo mó:
- Con gì… trong giày của mình! Không phải chuột. Nó cứng cứng, mềm mềm ghê lắm!
Tôi cười.
- A, thì ra là hai hôm nay con rùa nhà chị phòng bên nó sống nhờ trong giày của anh.
Tôi lấy chiếc dày dốc xuống thì đích thị là bé rùa đang ngọ nguậy chui ra. Vừa rơi xuống đất là nó ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra ngoài. Chắc mấy ngày nằm trong chiếc giày nóng ẩm mùi chân của anh chàng hàng xóm khiến nó viêm mũi mất thôi. Tội nghiệp may mà anh chàng đó vừa xỏ chân vào, chứ nếu ẩu một tí nữa thì bẹp mất rùa con rồi!
Tôi cứ nghĩ chỉ con người mới có nghiệp, ngay đến cả con mèo, một đứa sống trên cạn chuyên ăn chuột, và con rùa, một đứa sống dưới nước, thích ăn rau cỏ mà cũng có ân oán với nhau, huống chi người ta vô cớ vẫn cứ gây ra cho nhau đủ thứ chuyện trên đời. Vậy nên rùa mới bị mèo hành hạ như thế. Đúng là “oan gia ngõ hẹp”. Ân oán từ đời kiếp nào giờ lại về sống chung một căn nhà.
Chuyện rùa sống trong giày nhà hàng xóm xảy ra mới đó mà đã hơn một tuần. Mọi chuyện trở nên yên ắng thì bỗng một buổi sáng chủ nhật đẹp trời khi tôi vừa đi dạo ngoài sân thượng bước vào phòng chợt nghe… rột, rột.
- Ôi trời, trong ngăn giấy máy in của tôi sao lại có một con rùa thế này!
Tôi thốt lên khi nhìn thấy nó, chú rùa con nhà hàng xóm. Tôi vẫn ngạc nhiên dù biết rõ nguyên nhân tại sao nó lại có mặt ở đây. Thật hết nói nổi, ai đời rùa lại ở trong giày thể thao, trong máy in… nghe thôi đã thấy thật nực cười. Tại sao lại không phải phòng khác mà con mèo nó cứ mang con rùa này đến làm phiền mình. Vậy cuối cùng là hai con rùa nhỏ nhà hàng xóm có ân oán gì với hai con mèo nhà bác bảo vệ, hay tôi và con mèo trời đánh này có ân oán gì mà tối ngày cứ phải trả mấy con rùa này về nhà, thấy thật bực cả mình. Tôi cầm con rùa lên nhìn nó thở dài rồi sang phòng bên bỏ nó vào hồ.

Buổi chiều lúc đi làm về, bước từ cầu thang lên phòng, tôi thấy con mèo đang từ trên đi xuống ngeo ngeo. Tôi thở dài và hỏi nó:
- Lần này thì ngoài sân thượng, dưới cầu thang, trong giày người khác, hay máy in vậy hả!
Nó ngửa mặt nhìn tôi, “ngeo” một cái tỉnh bơ, cọ vào chân tôi rồi chạy thẳng xuống dưới lầu.
 NGỌC THANH( Theo Giác Ngộ 689)


April 17, 2013

Tuổi Trẻ và Đạo Pháp


Con người sống trong thế giới Ta-bà này phải trải qua những được, mất, thành, bại và phải đối mặt với những xô bồ, đua chen, thị phi, ngang trái của cuộc đời. Là một người trẻ tuổi, may mắn được giáo pháp nhà Phật nuôi dưỡng, tâm hồn tôi rộng lớn hơn, trí tuệ tôi được khai sáng hơn. Giá như các bạn trẻ thời nay được biết đến Phật Pháp thì hay biết mấy cách nhìn nhận cuộc sống này cũng sẽ tốt đẹp hơn. Các bạn sẽ không còn nhìn nhận cuộc sống này một cách lệch lạc, tương lai sẽ sáng sủa hơn với những người như vậy. Đa phần các bạn trẻ thời nay chỉ biết hiện tại mà không mấy quan tâm đến tương lai phía trước. Ham vui, háo thắng, thích thể hiện bản ngã với cá tính nông nổi, nhìn nhận giá trị cuộc sống một cách hời hợt, nông cạn, thiếu suy xét… Rồi đằng sau những cuộc vui, sau những thất bại và vấp ngã không đáng có, là tâm trạng chán chường, sinh lòng sân hận. Mất đi niềm tin, ý chí phấn đấu. Cho rằng cuộc sống vốn đầy rẫy những bất công thị phi và cám dỗ… rơi vào bế tắc dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Tiếc thay! uổng phí một đời tuổi trẻ không phải ai cũng may mắn có.
Dù biết rằng, lựa chọn cho mình một lối sống và giải trí lành mạnh là không khó, song các bạn trẻ vẫn cứ vướng vào những cạm bẫy giăng sẵn, chực chờ những kẻ dễ bị cám dỗ sảy chân, có những thứ khi đã vướng vào thì không dứt ra được, xoáy theo đó mà hủy hoại bản thân mình rồi đi đến bế tắc, bất đắc dĩ trở thành tội nhân, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bản thân tôi cũng đã không ngoại lệ trước những nông nổi tuổi trẻ, xét cho cùng cũng do thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh giác. Vậy làm sao để biết sống chánh niệm, để luôn tỉnh giác? Với riêng cảm nhận của cá nhân tôi, đạo pháp là một lớp bọc che chở, bảo vệ , nuôi dưỡng tâm ý tôi, nhắc nhở tôi luôn phải sống trong chánh niệm và tỉnh giác, để giữ tròn đạo hạnh của người Phật tử và tôi may mắn nhận được sự bao bọc, che chở ấy!”.
Đối với các bạn trẻ lựa chọn cho mình một lối sống lành mạnh thường luôn có một định hướng rõ ràng hơn cho tương lai nhưng chưa hẳn đã là con đường đúng đắn. Có những bạn có khả năng nhưng lại không dám đối mặt vượt lên chính mình, hoặc do thiếu chánh kiến và thiếu suy xét nên hạn chế và uổng phí khả năng vốn có của mình. Mặt khác, một số bạn có khi thì quá tự tin vào chính mình, khi thì thích mạo hiểm, làm những việc ngoài khả năng của mình, dù biết xác suất thành công là rất mong manh, hoặc đặt ra chỉ tiêu quá cao, đến khi không đạt được thì lại thất vọng và chán nãn, dẫn đến căng thẳng hay theo tiếng gọi thông dụng là căn bệnh stress, một căn bệnh thời đại phổ biến hiện nay của giới trẻ…
Tôi xin được san sẻ những cảm nhận của mình về lợi ích từ khi tôi được tiếp nhận nguồn sáng của đạo pháp tôi luôn giữ cho mình một tâm trạng cân bằng, nên dù trải qua những thành bại, tuy là nhỏ bé, nhưng tôi vẫn luôn trở về với một trạng thái an lạc khi hiểu rằng mình chưa hội đủ “Duyên” và chưa có “Phước”. Chỉ cần cố gắng trong khả năng có thể thì kết quả có thế nào cũng là “Được” rất nhiều chứ không phải đã mất đi so với con số “0” lúc ban đầu. Đổi lại là kinh nghiệm sống, là thái độ nhìn nhận cuộc sống này một cách đúng đắn hơn và trưởng thành hơn.
Một vướng mắc dễ sai lầm nhất của giới trẻ hiện nay là cách nhìn sai lệch về tình yêu và tình dục, theo lối suy nghĩ tình yêu là sự thỏa mãn về tâm sinh lý, là thể hiện chính mình, nhiều bạn còn xem đó là trò tiêu khiển, thể hiện đẳng cấp của bản thân… Để rồi sai lầm tiếp nối sai lầm, đau khổ tiếp nối đau khổ, không những cho mình mà còn cho người khác. Hậu quả để lại thật đáng đau lòng, đó là việc phá thai, tự sát, thất tình, ghen tuông, sát hại lẫn nhau. Một người mẹ chưa đủ tuổi thành niên, bỏ con vào cặp rồi mang đi vứt bỏ, một ông bố chưa kịp học xong trung học, hay việc nạo phá thai tùy tiện dẫn đến những di chứng khôn lường…một thực tế đau lòng khi đất nước Việt Nam được liệt kê vào danh sách một trong những quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên Thế Giới. Đánh đổi bởi những thú vui, cuộc thử nghiệm tiêu khiển là sinh mạng con người… Hạnh phúc đâu dễ nở hoa nếu không biết vun trồng đúng cách. Tuổi trẻ tôi cũng yêu nhưng tôi yêu trong chánh niệm, yêu trong tỉnh thức, yêu bằng một tình yêu thăng hoa mà Hòa thượng Thánh Nghiêm gọi đó là “tình yêu của lòng từ bi”. Còn bạn bè thường diễu cợt tôi là tình yêu theo “kiểu cột điện”… Tôi chỉ sợ mình bị “cột điện” trước cuộc đời này.

Tôi đang nuôi lớn tình yêu của mình bằng cách nuôi lớn, gội rửa tâm hồn mình thêm trong sáng, thuần khiết, nuôi lớn mầm từ bi ngự sẵn trong mình. Tôi xem mình là một củ sen sống trong bùn lầy, may mắn thay tôi đã được ánh sáng Phật pháp đánh thức để nảy mầm, dù trong bùn lầy vẫn cảm nhận được bầu không khí trong lành trên mặt nước, với những giọt sương mai trong lành và ánh nắng bình minh chào đón. Tuổi trẻ cũng cần phải có hoài bão, ước mơ làm mục tiêu phấn đấu, nhìn nhận được tầm quan trọng của một tương lai, trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội, lấy đó làm động lực để vươn lên. Ngoài việc nỗ lực phấn đấu thì việc nuôi dưỡng và trau dồi tâm ý, tỉnh táo, cân nhắc trước mọi hành động, mở rộng tinh thần học hỏi, sẻ chia, nuôi dưỡng mối quan hệ, là những nhân tố vun đắp, thúc đẩy cho sự thành công của bạn. Mặc dù nhận thấy, nếu biết sống khoan dung, và biết san sẻ với cuộc đời, tôi sẽ nhận lại được rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhưng rồi cũng có khi ích kỷ, thường là khi tôi thất bại, lại tự đặt ra câu hỏi: Ai là người luôn ở bên tôi! Và rồi tôi thất vọng, không ai cả! Không ai sẵn sàng ở bên tôi, sát cánh cùng tôi, bảo vệ tôi khi tôi bị yếu thế, bị người ta ăn hiếp, hay khi tôi gặp khó khăn cần một người bảo vệ… Tôi nghĩ mình có cần phải cố chấp quá hay không, đòi hỏi quá hay không khi cứ mãi không chịu mở lòng mình đón nhận sự che chở của một ai đó… hay chờ đợi một duyên lành từ tiền kiếp… Nhưng Phật pháp đã cho tôi sức mạnh và tôi sáng suốt nhận ra rằng chỉ có bản thân mình là người bạn trung thành nhất, chỉ có mình mới quyết định được mọi việc. Dù hoàn cảnh thế nào cũng cần phải mạnh mẽ đứng lên, nên cố gắng làm chủ chính mình trước những ham muốn tầm thường, vô định. Cuộc sống là muôn vàn những vay trả, trả vay, mà làm người thì ai cũng mong cho mình hết nợ, chẳng ai muốn vướng bận bao giờ. Không có gì tự do, sung sướng và hạnh phúc hơn khi làm chủ được chính mình.
Tôi hiểu cuộc sống này có được thì phải có mất, và có mất đi thì mới có được lại, cái gì cũng có cái giá của nó. Muốn có quả ngọt thì phải trồng cây, vun xới, nếu không biết cố gắng, không làm việc một cách nghiêm túc thực sự thì khó lòng đạt được kết quả mình mong đợi. Thành quả là niềm tự hào cần phải trân trọng nó. Tự ti thì sẽ làm con người ta mất đi ý chí phấn đấu để  vươn lên, còn sự tự mãn sẽ làm cho con người ta dậm chân tại chỗ, không tiến xa hơn được. Cái khó khăn nữa mà ta cần phải vượt qua là sự háo thắng, một trong những bản tính không tốt của tuổi trẻ, cứ phải đợi đến khi thất bại rồi mới chịu nhận mình sai, còn không thì không phục. Tôi dần mất đi sự háo thắng, không phải vì sự thất bại mà vì tôi biết nhìn nhận, biết đủ, biết dừng khi thấy đủ. Nếu sống mà cứ mãi mưu cầu, đòi hỏi phải đầy đủ, không biết lấy “thiểu dục, tri túc” để răn mình thì mãi vẫn mưu cầu hạnh phúc, tư lợi… mà vướng bận phiền não, khổ đau thôi.
Tôi cũng như các bạn, chúng ta đều là những củ sen, đều có Phật tánh trong mình. Nhưng tôi khác hơn là được nảy mầm trong chánh kiến, dưới ánh sáng của đạo pháp nên sức sống khỏe mạnh hơn những củ sen khác - những củ sen chưa chịu nảy mầm hay đã nảy mầm nhưng chưa được đón nhận hay hấp thụ những dinh dưỡng tinh túy từ đạo pháp mà tinh tấn vươn mình để phát triển thêm… Tuy nhiên tuổi trẻ thì không thể tránh được những sai lầm không đáng có, bản thân tôi cũng lớn lên từ những vấp ngã của cuộc đời. Nhưng nếu biết được tắm gội trong đạo pháp, biết nhìn nhận trong chánh kiến sẽ giúp ta bớt đi được những sai lầm. Hoa sen nào thì cũng là kết quả từ những củ sen được nảy mầm dưới bùn lầy nhơ nhuốc, nhưng nó đã vượt qua những cám dỗ thị phi để được tỏa hương. Dù hết kiếp này vẫn còn là mầm sen thì kiếp sau tôi cũng muốn được làm người, vẫn như củ sen nhỏ tiếp tục gieo duyên, sinh trưởng và mong một ngày sẽ được nở hoa, lại được vươn mình tắm gội, thắm nhuần trong ánh nắng Phật pháp để tỏa hương thơm thanh khiết nhất.
Theo Tâm Ánh (Đạo Phật Ngày Nay)